Cần chính sách hỗ trợ đào tạo cho người mất việc làm

Viec lam Dong Nai
Sep 11, 2021

Trước tình trạng người lao động đang phải “gánh” hàng loạt chi phí phát sinh do dịch COVID-19, họ đã có các kiến nghị đề xuất để được hỗ trợ vượt qua đại dịch. Trong đó, rất cần chính sách hỗ trợ đào tạo cho người mất việc.

Đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ người lao động

42.754 người tham gia khảo sát bị mất việc, 50% người bị mất việc từ 1-3 tháng. Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%. Họ phải chi trả hàng loạt các chi phí phát sinh, trong khi các gói hỗ trợ thực sự đến được tay người lao động tự do mất việc, người nghèo quá ít.

Do đó, người lao động đề xuất các cấp chính quyền nên có hình thức trợ cấp phù hợp, đúng đối tượng. Hiện có rất nhiều người là lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ. Đối với các gói hỗ trợ công nhân, nên thông qua các công ty để lên danh sách người được thụ hưởng hỗ trợ do mất việc.

Nhiều công nhân ở trọ không có địa chỉ tạm trú rõ ràng nhưng mất việc và không rành về thủ tục nên không được nhậnhỗ trợ. Nếu muốn được hưởng hỗ trợ, họ phải chứng minh bằng các giấy tờ với các yêu cầu xác nhận trong bối cảnh nhiều nơi đang giãn cách.

Hơn nữa, cần có công văn thông báo gửi cho doanh nghiệp, đồng thời cập nhật thông tin trên ứng dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) điện tử để người lao động cùng nắm thông tin. Người lao động mong muốn được đơn giản hóa thủ tục để có thể nhận được hỗ trợ, không phải chỉ những người lao động có BHXH.

Công khai, minh bạch công tác phát tiền trợ cấp tại các phường/xã, tiền có thể được chuyển vào thẻ hoặc áp dụng thẻ mua hàng cho người dân thực sự khó khăn... Nếu có như vậy, người lao động bị mất việc mới yên tâm ở nhà thực hiện việc giãn cách xã hội tại những vùng dịch bùng phát mạnh.

Vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế

Số liệu khảo sát cũng cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, người lao động có khi phải tự trả chi phí xét nghiệm COVID-19 để các xác nhận khi di chuyển giữa các tỉnh/thành phố. Chi phí này là khoản chi phí phát sinh cao thứ 3 với 22,9% người tham gia khảo sát phải chi trả.

Một số quận tại TP. Hồ Chí Minh yêu cầu bắt buộc phải có tạm trú/hộ khẩu, gây khó khăn cho người dân muốn tiêm và giảm tốc độ phủ vaccine của thành phố. Họ đề xuất cân nhắc tiêm vaccine cho trẻ em để đảm bảo việc đến trường, tiêm vaccine cho những tiểu thương buôn bán tại chợ và cho các chợ hoạt động lại an toàn.

Không chỉ vậy, cần miễn phí các trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn đến tiêm vaccine. Người dân không bị nhiễm COVID-19 cần được tạo điều kiện về quê nếu có nguyện vọng.

Đặc biệt, nên ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển để vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, vừa an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, cần có chính sách không để các doanh nghiệp vận chuyển tăng giá thời điểm dịch.

Chính quyền địa phương nên cung cấp thông tin tuyển dụng tại từng thôn, ấp, xã phường để người dân có thể tìm hiểu công việc và ứng tuyển. Tổ chức các buổi học online phổ biến kiến thức về các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả... Việc này sẽ phần nào giải quyết các khó khăn về thu nhập, công việc, cho người lao động.

Cuộc khảo sát này cũng cho thấy người lao động rất cần có chính sách hỗ trợ đào tạo cho người mất việc, phối hợp với các doanh nghiệp để thông tin về việc làm đến người lao động. Chính quyền địa phương hỗ trợ, đào tạo các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể các hình thức bán hàng online, sàn thương mại điện tử… để có thể vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

Mới đây, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo Điện tử VnExpress tiến hành cuộc khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 5.2021.

LƯƠNG HẠNH